Những ngày này, chúng ta đã nói rất nhiều lời tạm biệt và cảm ơn thầy Park, người Hàn Quốc đến với chúng ta như một mối duyên lành. Tình yêu và trân trọng thì còn mãi, nhưng ở một góc nhìn thực tế, chúng ta cũng cần rạch ròi được – mất khi thầy Park rời đi.
Tầm vóc mới cho bóng đá Việt Nam
Có một nét tương phản lớn trước và sau khi thầy Park đến. Trước, giống như một khối vụn vỡ, tiêu điều – tàn dư thất bại của HLV Nguyễn Hữu Thắng. Sau, là ngọn lửa kiêu hùng trên tuyết trắng Thường Châu, nơi những cầu thủ đa phần còn vô danh đã lên ngôi á quân châu Á ở cấp độ U23.
Khoảng thời gian giữa trước và sau chỉ là hơn 3 tháng.
Bắt đầu từ đây với bàn đạp Thường Châu, ông Park cùng những đứa con mãi sau này ông vẫn tin dùng, đã sải những bước chân thật lớn ra biển rộng. Việt Nam quen dần với việc vào sâu các giải đấu tầm châu lục: Top 4 ASIAD 2018, tứ kết Asian Cup 2019, và cứ mỗi lần từ đó trở về, chúng ta lại “bình định” một danh hiệu trong khu vực.
Chức vô địch AFF Cup 2018 sau 10 năm chờ đợi, huy chương Vàng SEA Games 2019 đầu tiên trong lịch sử đã được mang về thông qua những chu kỳ “lửa thử vàng” như vậy. Dù nửa sau của triều đại, thầy Park chỉ lên ngôi thêm một SEA Games nữa (5/2022) nhưng tuyển Việt Nam thì đã lọt vào đến vòng loại cuối cùng World Cup 2022 và có lúc đứng hạng 92 thế giới.
Thứ hạng không phải bao giờ cũng đúng, nhưng cái tâm thế đổi thay của bóng đá Việt Nam thì chúng ta có thể tự hào cảm nhận rõ ràng. Tuyển Việt Nam đã từng vượt qua UAE 1-0, đè bẹp Trung Quốc 3-1 tại Mỹ Đình, cầm hoà Nhật Bản 1-1 trên sân khách. Chúng ta cũng đã ghi những bàn thắng thật đẹp vào lưới Saudi Arabia, Oman…
Ngay cả những trận thua đậm ở sân chơi quá khổ ấy cũng giúp chúng ta có thêm nhiều trải nghiệm và tích luỹ. Tuyển Việt Nam trong giải đấu sau chót của ông Park dù không có phong độ quá cao vẫn dễ dàng đạt mục tiêu trước Malaysia, Myanmar, Indonesia để vào đến chung kết AFF Cup 2022 mà lưới còn nguyên vẹn.
Bên cạnh những thống kê về thành tích, ông Park cũng gây dựng được cho bóng đá Việt Nam những ngôi sao tạm gọi là hàng đầu Đông Nam Á. Đấy là Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Tiến Linh, Nguyễn Hoàng Đức, Đặng Văn Lâm, và phần nào đó là Đoàn Văn Hậu.
Những vấn đề của thầy Park
Dù vậy, trong quá trình cầm quân, thầy Park cũng có không ít những quyết định tương đối cảm tính mà sau này, người trong cuộc đều ân hận.
Trần Đình Trọng là một điển hình. Ông Park yêu quý Đình Trọng đến nỗi người ta có cảm giác chỉ cần Trọng… còn đi lại được là ông điền tên anh vào danh sách triệu tập cho mọi giải đấu. Kết quả là sau 2 năm bị vắt sức, Trọng liên tiếp dính chấn thương ở những vị trí khó lành như cổ chân, đầu gối – dấu hiệu của sự quá tải.
Chưa kịp hồi phục hoàn toàn, trung vệ khi ấy còn khoác áo CLB Hà Nội đã lại ra sân tại VCK U23 châu Á 2020, bất chấp những cảnh báo từ HLV Chu Đình Nghiêm. Sau này, Đình Trọng hối tiếc giá như anh đừng vội thế…
Phan Văn Đức lại là một trường hợp khác. 2 năm qua, hình ảnh của cầu thủ SLNA trên đội tuyển rất nhạt nhoà, nhưng ông Park kiên quyết giữ anh bằng một sự kiên nhẫn vô chừng. Văn Đức vẫn có tên trong đội hình đá chung kết lượt về AFF Cup 2022 và chỉ bị thay ra sau hiệp 1 hoàn toàn mất dạng trước Thái Lan.
Ở một khía cạnh khác, ông Park lại không phải người dễ đón nhận những nhân tố mới. Tháng 5/2022, U23 vô địch SEA Games bằng một hàng tiền vệ có Đỗ Hùng Dũng – Nguyễn Hoàng Đức. Tháng 1/2023, vẫn là bộ đôi này cùng Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Tuấn Anh gánh vác AFF Cup 2022. Cả một tuyến giữa rất cũ, rất dễ bị bắt bài và đồng loạt thiếu cảm giác chơi bóng chính là nguyên nhân lớn nhất khiến chúng ta thua người Thái về thế trận.
Người Thái chính là đối thủ duy nhất trong khu vực mà thầy Park không thể thắng, thậm chí còn phải nhận hai thất bại. Thất bại đầu tiên có lỗi từ cách tiếp cận thiếu thực tế và có phần mất bình tĩnh của Ban huấn luyện. Thất bại thứ hai sâu cay và lắng đọng hơn, nó đến chậm rãi mà tuyệt vọng trong một tương quan chênh lệch về trình độ.
Với ông Park, chia tay bằng một tấm huy chương bạc dẫu sao cũng chỉ là nỗi day dứt, buồn rầu của sứ mệnh không trọn vẹn, và rồi mọi thứ cũng sẽ nguôi ngoai. Nhưng với tuyển Việt Nam, thực tế không đơn giản thế, bởi nỗi ám ảnh Thái Lan lại trở về - thậm chí khắc sâu, bởi lo lắng về lực lượng thời “hậu Park”, bởi gánh nặng cho HLV kế nhiệm…
Ông Park đến những ngày cuối của nhiệm kỳ vẫn hầu như không gợi mở nét tươi mới nào cho đội tuyển tương lai. AFF Cup này không có chỗ cho những Phan Tuấn Tài, Nhâm Mạnh Dũng, Lý Công Hoàng Anh – những cái tên khả dĩ nhất ở lứa tuổi U23. Tuyển Việt Nam thì đã đến điểm thoái trào của chu kỳ, ngoài những nỗi thất vọng kể trên, phong độ của Đỗ Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng thậm chí cả Quế Ngọc Hải cũng cần báo động…
Tượng đài Park Hang-seo thì vĩnh viễn tồn tại trong lòng người hâm mộ, nhưng tiếp quản lại di sản của ông là một câu chuyện chắc chắn không phải màu hồng.
Nguồn : Xem Thêm :
0 Comments
Đăng nhận xét