Panenka là gì?
Panenka là tên gọi của một kiểu sút trên chấm đá phạt 11m. Đây được hình dung là một phong cách sút phạt đền (11m) đậm chất trình diễn, mà không phải cầu thủ nào cũng có khả năng thực hiện được.
Ở phong cách sút phạt đền này, cầu thủ thường lấy đà rất xa sau đó đánh lừa thủ môn bằng cách sút trái bóng đi theo một đường cong hoàn hảo vào vị trí chính giữa khung thành.
Panenka thực chất là một kiểu sút Penalty đòi hỏi kĩ thuật và sự tự tin rất cao
|
Để thực hiện một cú đá này, các cầu thủ sẽ sử dụng chân để khiến trái bóng đi xoáy và cuộn nhẹ hướng thẳng vào phía chính giữa khung thành. Thông thường các thủ môn thường có xu hướng đổ người sang hai bên, chính vì thế việc đá vào chính giữa khung thành thường có tỷ lệ thành công cao.
Đá Panenka cũng tương tự như việc sút bóng thẳng vào giữa khung thành. Song cách đá này lại được đánh giá cao hơn về mặt kỹ thuật, mà không phải cầu thủ nào cũng có thể thực hiện được.
Mấu chốt của việc thực hiện cú sút này là cầu thủ phải biết cách điều khiển hướng đi của bóng cũng như những phản xạ nhanh nhạy để qua mặt thủ môn, kết hợp với sự bình tĩnh và sự tự tin cao độ.
Cú đá 11m kiểu panenka chỉ thành công sau khi người đá thực hiện cú sút sau thời điểm thủ môn đối phương đổ người. Nếu người dứt điểm ra chân trước khi thủ môn đổ người thì pha bóng có thể trở thành một... 'thảm họa', bởi khi đó thủ môn sẽ đứng tại chỗ và không gặp nhiều khó khăn để bắt gọn trái bóng.
Bởi vậy đá panenka từ trước tới nay vẫn luôn được xem là một phong cách dứt điểm đẳng cấp, thể hiện trình độ người chơi và đồng thời cũng như mang tới sự phấn khích cho khán giả trên sân.
Lịch sử hình thành
Panenka là cách đá phạt đền gắn liền với Antonin Panenka và trở nên nổi tiếng vào năm 1976. Danh thủ người Tiệp Khắc được xem là người đầu tiên sử dụng kỹ thuật sút bóng này để đánh bại huyền thoại người Đức và Bayern Munich, Sepp Maier trong trận chung kết EURO năm đó.
Trong trận đấu đó, đội tuyển Tiệp Khắc (cũ) đã không thể bảo vệ lợi thế dẫn 2-0 và sau đó phải bước vào hiệp phụ cũng như loạt đá luân lưu. Sau khi 7 lượt sút đầu tiên đều được thực hiện thành công, Uli Hoeness của Đức đã dứt điểm hỏng và cơ hội lại được trao cho Panenka.
Danh thủ Antonin Panenka ghi bàn thắng lịch sử giúp Tiệp Khắc vô địch EURO 1976
|
Ở lượt đá quyết định, Antonin Panenka đã thực hiện một cú đá điệu nghệ, mang tính trình diễn để đưa trái bóng nằm gọn trong lưới, giúp Tiệp Khắc lần đầu tiên vô địch châu Âu. Cũng từ đây cú đá phạt độc đáo mang tên Panenka đã ra đời.
Kể từ đó, một kỹ thuật mới trong việc đá penalty đã được khai sinh. Khi nhắc tới kỹ thuật đá này, huyền thoại bóng đá người Brazil, Pele đã mô tả khoảnh khắc đó là một kiệt tác 'thiên tài và điên rồ'.
Tuy nhiên vẫn có một số ý kiến lại không đồng tình với lựa chọn của Panenka, khi cho rằng danh thủ người Tiệp Khắc đã quá phô trương, bởi tính chất của quả đá phạt đền năm đó là cực kỳ quan trọng.
Cách đá penalty kiểu Panenka
Khi thực hiện cản phá một quả đá 11m, các thủ môn sẽ có xu hướng đổ người sang hai bên. Vì thế, điều quan trọng với người thực hiện cú đá panenka là phải giấu ý đồ trong việc chạy đà.
Thông thường các cầu thủ chuyên nghiệp thường lấy đà với khoảng cách 5 bước chân. Đây là khoảng cách khá thoải mái để các cầu thủ có thể tung ra cú sút.
Mặc dù vậy, ngay cả các bước chạy đà hoàn hảo cũng không thể đảm bảo 100% thủ môn đều bị đánh lừa, nó còn phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý và sự tự tin của các cầu thủ trong lúc thực hiện.
Hazard thực hiện thành công cú sút mang phong cách Panenka vào lưới Man City
|
Khi thực hiện cú sút, cầu thủ sẽ đưa mũi chân của mình xuống mặt dưới của bóng càng sâu càng tốt để thực hiện cú bấm bóng. Trước khi sút, người chơi sẽ vung chân thật mạnh về sau để tạo hình “cái thìa”, một phần lừa thủ môn, đồng thời giúp bóng xoáy và bay cao hơn tầm với.
Cho đến khi tiếp xúc với bóng thì cầu thủ sẽ hãm lại nhịp độ và tác động lực vừa đủ vào bề mặt bóng. Nếu như bước chạy đà và tư thế giả vờ sút bóng chỉ mang tính chất đánh lừa thủ môn thì điểm tiếp xúc với bóng phải đảm bảo sự chính xác tuyệt đối. Với phần tiếp xúc trên chân, mu bàn chân là điểm chạm hoàn hảo cho cú đá Panenka. Nó sẽ đưa bóng xoáy mạnh, quỹ đạo cuộn về phía khung thành.
Để có thể thực hiện thành công cú đá, người chơi cần lưu ý không dùng lực quá yếu hoặc quá mạnh vì bóng sẽ dễ dàng bị thủ môn bắt được. Đồng thời cầu thủ cần tránh ngả người về sau sẽ khiến bóng không bay theo đường chính xác.
Những cầu thủ nổi tiếng nào từng thực hiện phong cách đá Panenka?
Cũng bởi đây là cú sút đòi hỏi kỹ thuật cao nên khá hiếm cầu thủ có thể tự tin tung ra cú sút điệu nghệ này khi đứng trước chấm đá phạt 11m. Sau khi cú đá được huyền thoại Antonin Panenka 'khai sáng', đã có nhiều cầu thủ trên thế giới thực hiện thành công kiểu đá phạt này.
Trong đó, bàn mở tỷ số của Zinedine Zidane trong trận chung kết World Cup 2006 giữa Pháp và Italia có lẽ là cú Panenka nổi tiếng nhất. Anh đã nhẹ nhàng đánh lừa Gianluigi Buffon bằng kỹ thuật này.
Mặc dù sau đó Zizou đã bị đuổi khỏi sân và Pháp đã để thua Italia trong loạt trận luân lưu, nhưng đó vẫn là một trong những khoảnh khắc kinh điển trong lịch sử bóng đá thế giới.
Zidane ghi bào vào lưới tuyển Ý ở chung kết World Cup 2006 theo phong cách Panenka
|
Tại EURO 2012, ngôi sao bóng đá Ý Andrea Pirlo cũng từng thực hiện thành công cú đá này trong cuộc đối đầu với Anh. Ở bóng đá hiện đại, Lionel Messi từng áp dụng kỹ năng này nhiều lần, trong khi Eden Hazard, Memphis Depay và Raheem Sterling cũng đã dùng đến một vài lần.
Tuy nhiên việc một trung vệ như Sergio Ramos cũng thuần thục khả năng dứt điểm này thực sự là một điều hiếm thấy. Ramos thậm chí còn lập nên kỷ lục ở đấu trường UEFA Champions League sau khi thực hiện thành công quả đá phạt 11m mang phong cách Panenka trong trận đấu giữa CLB Sevilla và Lens ở mùa giải 2023/24 vừa qua.
Với pha ghi bàn này, cựu thủ quân Real Madrid đã chính thức trở thành hậu vệ ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử Champions League với 17 pha lập công, nhiều hơn Gerard Pique và Roberto Carlos 1 bàn.
Tại Việt Nam, Công Phượng nổi tiếng là cầu thủ có kỹ thuật cao, kèm theo khả năng sút phạt rất tốt. Nhưng cũng chính bởi sự tự tin thái quá ở bản thân mà anh đã từng đá hỏng 1 cú phạt đền theo kỹ thuật Panenka và khiến HAGL bị loại khỏi bán kết U21 quốc tế năm 2016.
Cú đá penalty thành công của Công Phượng vào lưới Viettel mới đây không phải lần đầu tiên anh thực hiện những quả phạt đền theo phong cách panenka.
Nguồn : Xem thêm :
0 Comments
Đăng nhận xét